Nghề “may áo” cho các tập đoàn đa quốc gia
Trong một lần đến làm việc tại văn phòng của một tập đoàn nước ngoài ở Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Liksin, quan sát một nhân viên mà ông đoán là chuyên gia về chất lượng, đang ngồi săm soi những bao bì của nhà cung cấp gửi đến. Có khá nhiều sản phẩm bị người này quẳng thẳng xuống sàn.
Là một nhà sản xuất bao bì chuyên nghiệp với thâm niên hơn 30 năm, ông Sang cũng muốn biết bì sao những mẫu bao bì ấy bị loại. Ông được chỉ cho thấy một vết lem rất mờ và rất mảnh. Thông thường, những lỗi như thế này có thể chấp nhận được.
Trong danh mục hơn 350 khách hàng của Liksin có những công ty đa quốc gia với số lượng đặt hàng lên đến hàng trăm triệu sản phẩm mỗi năm. Số khách hàng lớn mang lại 80% doanh số của mỗi địa chỉ. Thế nhưng chỉ một số doanh nghiệp bao bì có quy mô sản xuất lớn, quản trị bài bản, có tính chuyên nghiệp mới được các tập đoàn lớn này chọn làm nhà cung cấp. Vấn đề chất lượng được minh họa qua câu chuyện trên chỉ là một yêu cầu đơn giản trong số nhiều tiêu chí khắt khe mà người mua hàng đặt ra với người cung cấp.
Ông Sang cho biết: “Mỗi tập đoàn có những bộ tiêu chuẩn riêng mà nhà cung ứng phải đáp ứng. Đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đánh giá của tập đoàn này không có nghĩa sẽ được tập đoàn khác chấp nhận, dù có khi họ cùng ngành nghề.Nhưng nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam có thể tính toán và đáp ứng được các bộ tiêu chuẩn”.
“Bài kiểm tra” đầu tiên mà một ứng viên cung ứng phải vượt qua là điều kiện về nhà xưởng sản xuất. Không chỉ về quy mô diện tích, năng lực máy móc thiết bị, mà nhiều khi, khách hàng còn quan tâm đến việc bố trí, tổ chức quy trình sản xuất trong xưởng; vấn đề vệ sinh…
Tiếp đến là nội dung liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), bao gồm môi trường làm việc của công nhân. Khó hơn là các tiêu chuẩn về đo lường, đánh giá nguyên liệu sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, ảnh hưởng môi trường… Cao hơn nữa là các quy trình đánh giá và bảo đảm sự nhất quán, ổn định của sản phẩm; đảm bảo giao hàng đúng hạn, đúng số lượng và chất lượng… Ngoài ra doanh nghiệp còn phải có hệ thống quản lý nhằm đảm bảo truy xuất nhanh chóng nguyên nhân và giải pháp phục hồi khi sản xuất bị lỗi.
Vấn đề khó khăn nhất mà mỗi doanh nghiệp phải đáp ứng nếu muốn trở thành nhà cung cấp loa array cho các tập đoàn lớn là quản trị rủi ro. Đối với những doanh nghiệp mà sản phẩm của họ được bán trên toàn cầu, bất kỳ một sự cố nào gây gián đoạn nguồn cung ứng từ một trong những công ty vệ tinh đều có thể gây ra thiệt hại rất lớn. Chính vì vậy, việc đánh giá để chắc chắn rằng nhà cung cấp có hệ thống quản trị, phòng ngừa và xử lý rủi ro tốt được tiến hành rất khắt khe. Ông Sang kể, khi khách hàng đánh giá về quản trị rủi ro ở Liksin, họ yêu cầu phải cung cấp đầy đủ và chi tiết tất cả những sự cố dẫn đến gián đoạn sản xuất mà Liksin từng gặp, trình bày cho họ giải pháp xử lý và thời gian xử lý tính bằng phút. Đồng thời, các chuyên gia đánh giá, thường là từ một tổ chức tư vấn đánh giá độc lập do khách hàng thuê , còn đặt ra các tình huống giả định và yêu cầu ứng viên phải giải đáp…
Một dây chuyền đóng gói cà phê của Nestlé. Chỉ những doanh nghiệp có sự chuẩn bị từ trước mới có điều kiện tận dụng cơ hội mà các dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia đang tạo ra.
Như đã nói, yêu cầu quan trọng nhất của các tập đoàn lớn đối với nhà cung ứng của họ là tính chuyên nghiệp. Điều này được thể hiện thông qua các hệ thống quản lý mà doanh nghiệp áp dụng, từ những bộ tiêu chuẩn chung như ISO 9000, ISO 14000, HACCP, GMP, CSR cho đến những bộ tiêu chuẩn chuyên sâu hơn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải cạnh tranh rất quyết liệt với các công ty bao bì lớn của các nước trong khu vực. Nhiều khi giá đơn vị sản phẩm chênh lệch chỉ vài đồng cũng có thể gây khó khăn. Do đó, việc tính toán, quản lý hợp lý để có chi phí sản xuất tốt nhất cũng là yêu cầu không thể thiếu, và các hệ thống quản lý như LEAN, TPM, 6 Sigma là những công cụ hữu hiệu giúp giảm chi phí và giảm sản phẩm không đạt chuẩn.
Tuy vậy, điều quan trọng đầu tiên là áp dụng công cụ quản lý 5S đạt yêu cầu.
Như vậy, các hệ thống quản lý chất lượng gần như là yêu cầu phải có đối với các doanh nghiệp muốn trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn lớn. Ít nhất, nó là cơ sở để các chuyên gia độc lập làm căn cứ đánh giá chất lượng. Nhưng việc áp dụng các hệ thống đó không thể xảy ra trong một sớm một chiều. Thế nên, chỉ những doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước mới có điều kiện tận dụng cơ hội mà các dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia đang tạo ra.
Theo Thời báo Kinh Tế Sài Gòn